Friday 4 September 2009

Sơn Lộc,
quê hương thời thơ ấu của tôi

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Những năm đầu tiên trong cuộc đời là những năm có tầm quan trọng ảnh hưởng một cách quyết định đến tính tình và khuynh hướng sống trong cuộc đời của con người. Riêng tôi, nếu không kể hai năm đầu tiên tôi mới sinh ra chưa biết gì khi còn ở ngoài Bắc, thì có thể nói giáo xứ Sơn Lộc, Tân Phú Trung là nơi tôi sống những năm đầu tiên trong cuộc đời. Đó là môi trường sống và phát triển tuổi thơ của tôi trong khoảng từ 2 đến 8 tuổi, đã ảnh hưởng không ít đến cuộc đời tôi. Môi trường ấy trước hết là gia đình tôi, là giáo xứ, trường học, bạn bè, họ hàng cùng sống trong giáo xứ. Tôi được như ngày nay, về tâm lý, về tính tình… một phần do môi trường tôi sống hồi còn thơ ấu ấy. Phải nói là 6 năm tuổi thơ của tôi qua đi tại giáo xứ Sơn Lộc – lúc ấy vừa thành lập – là một trong những giai đoạn đẹp nhất cuộc đời tôi.

Thời cha Nguyễn Chính Thiết làm cha xứ, tôi mới 2-3 tuổi, tôi không còn nhớ một chút nào vì quá nhỏ. Khi cha Đỗ Đức Hạnh và cha Nguyễn Thanh Đô coi sóc giáo xứ (khoảng 1956-57), lúc ấy tôi đã 4-5 tuổi, tôi được cha mẹ kể lại là tôi từng được tiếp xúc với các ngài nhiều lần. Các ngài đã mớm cho tôi một lý tưởng là đi tu làm linh mục theo gương người chú ruột của tôi. Và cái mầm lý tưởng ấy đã được ươm trong tâm hồn tôi từ thời ấy.

Đến năm 1957, cha Dư Tác Thiện về coi sóc giáo xứ thay cha Hạnh và cha Đô. Lúc ấy tôi đã được 5 tuổi. Mặc dù tôi còn nhỏ, nhưng những bài giảng của cha Thiện trong các thánh lễ và những lời của cụ Tư Viêm trong các buổi học giáo lý đã ít nhiều lay động tâm hồn nhỏ bé của tôi. Điều mà tôi học được nhiều nhất qua những bài giảng của cha là lòng yêu mến Thánh Thể.

Thấy tôi có ý hướng muốn đi tu, cha xứ đã tặng tôi cuốn sách “Yêu Mến Thánh Thể”. Cuốn sách có 31 bài suy niệm về Thánh Thể để đọc mỗi ngày trong tháng. Được sự ưu ái ấy của cha xứ, bố mẹ và các cô chú tôi đã khuyến khích tôi đến nhà thờ chầu Thánh Thể mỗi ngày vào các buổi trưa, cùng lúc với các bà đến đọc kinh. Trước Thánh Thể, tôi chẳng biết làm gì hơn là đọc cho hết bài suy niệm dài mấy trang của ngày ấy như những bài tập đọc. Lúc ấy, tôi mới học lớp tư – tức lớp 2 bây giờ – nên chắc hẳn tôi đọc mà chẳng hiểu gì. Thế mà không hiểu sao tôi đã trung thành với việc chầu Thánh Thể hằng ngày như thế cả năm trời. Nhưng tôi biết chắc chắn những gì tôi đọc, mặc dù không hiểu, thì vô thức hay tiềm thức của tôi vẫn ghi nhận, và nó âm thầm ảnh hưởng trên cách suy nghĩ, hành xử của tôi khi tôi đã trưởng thành. Cái kết quả cụ thể trước mắt là những buổi chầu Thánh Thể ấy đã nuôi dưỡng trong tôi lòng đạo đức và sự ham muốn hiến dâng cuộc đời cho Chúa khiến cho 5 năm sau tôi xin vào chủng viện để đi tu.

Vì thế, tôi phải nói lên ở đây lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với các cha coi sóc giáo xứ, là những người đã cùng với bố mẹ tôi khai tâm cho tôi về mặt tâm linh một cách rất tuyệt vời.

Đó là nói về mặt tâm linh. Giáo xứ Sơn Lộc còn ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời ấu thơ của tôi về mặt trí dục qua trường tiểu học Kim Hương. Tôi chỉ học ở trường của giáo xứ 3 năm thì nhà tôi dọn về Xóm Mới. Trường có nhiều thầy dạy, nhưng tôi chỉ được học với hai thầy: thầy giáo Tường dạy mẫu giáo và lớp năm, và thầy Hợp, cũng là bố tôi, dạy lớp tư. Lúc đó thầy Châu dạy lớp ba, thầy Huy dạy lớp nhì, thầy Khánh và thầy Thanh dạy lớp nhất. Hiện nay, đa số các thầy ấy đã về với Chúa, dường như chỉ còn lại thầy Khánh và thầy Hợp còn sống. Cả hai đều khoảng 80 tuổi.

Trong tất cả các thầy, kể cả những thầy tôi học ở các trường khác, thì thầy Tường là thầy giáo đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nét chữ tôi viết hiện nay tương đối còn đẹp và ngay hàng thẳng lối, chắc chắn có phần nào là kết quả của công lao chịu khó của thầy giáo Tường. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh thầy ngồi ở bàn, cầm bút chì viết chữ vào từng cuốn tập học trò để chúng tôi tô lại bằng bút mực. Thỉnh thoảng thầy lại đưa đầu bút lên miệng thấm chút nước bọt cho nét chữ đậm hơn. Cũng có lúc thầy cầm tay chúng tôi để giúp chúng tôi viết.

Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ những câu tục ngữ, ca dao mà thầy viết trên bảng để bắt học sinh đánh vần, rồi học thuộc lòng. Nào là «Nhân chi sơ, tính bản thiện», «Ấu bất học, lão hà vi», «Nhân bất học, bất tri lý», nào là «Có công mài sắt có ngày nên kim», hay «Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra»… Tất cả những câu học thuộc lòng ấy ban đầu chúng tôi không hiểu, nhưng chúng vẫn cứ thấm vào đầu óc non nớt của chúng tôi. Và đến một lúc nào đó đã trở thành sự khôn ngoan và đạo đức của chúng tôi, thành những hành trang cho chúng tôi vào đời.

Các vị thầy của trường Kim Hương thời ấy, giờ đây đa số đã khuất bóng. Mỗi lần nhớ đến các thầy, tôi không khỏi bồi hồi cảm động. Các thầy đã vun bồi trí thức, văn hóa và lòng đạo đức cho biết bao mầm non của đất nước và Giáo Hội xuất thân từ giáo xứ mới thành lập rất nhỏ bé và khiêm tốn này. Xin Thiên Chúa ân thưởng các thầy một cách xứng đáng vì những công lao này.

Nhưng những người gần gũi với tôi nhất và thông cảm với tôi nhất thời ấy là những người bạn học cùng lớp. Mặc dù học với nhau cách đây gần 50 năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ tên, nhớ cả khuôn mặt vào thời thơ ấu ấy của nhiều người. Bây giờ những người bạn cũ ấy người còn sống kẻ đã khuất. Còn sống thì mỗi người ở một phương: người trong nước, kẻ hải ngoại; người còn ở lại Sơn Lộc, kẻ lập nghiệp ở nơi khác trên khắp miền đất nước. Những bạn còn ở Sơn Lộc thì thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại. Tôi mong có một ngày nào đó được gặp lại những người bạn ở xa mà đã hơn bốn chục năm qua không gặp hoặc không có tin tức. Tất cả các bạn cùng lớp ấy đã đóng một vai trò khá quan trọng về mặt tình cảm trong cuộc đời thơ ấu của tôi.

Vì thời thế, gia đình tôi đã rời giáo xứ để về Sàigòn từ năm 1960. Nhưng đối với tôi giáo xứ Sơn Lộc vẫn là một nơi đặc biệt đầy kỷ niệm. Hễ hai ba năm không có dịp về lại Sơn Lộc là tôi lại cảm thấy nhơ nhớ khiến tôi muốn về thăm. Tại đây, tôi còn rất nhiều bà con thân thuộc đã từng yêu thương tôi từ khi tôi còn nhỏ. Đặc biệt những người xuất thân cùng làng ở ngoài Bắc di cư vào đây.

Rất may là tại Sơn Lộc có hội Đồng Hương Bến Thôn, mỗi năm đều tổ chức một ngày gặp mặt để cùng nhau dự hai thứ tiệc: tiệc thánh hay thánh lễ, và tiệc đời hay tiệc nhậu. Cả hai thứ tiệc ấy đều liên kết chúng tôi lại với nhau cách chặt chẽ hơn, và đều là hình ảnh cho bữa tiệc trên trời. Đó là bữa tiệc vô cùng hạnh phúc mà tất cả mọi người đã từng sống tại giáo xứ Sơn Lộc này đều cùng hẹn đến để gặp lại nhau. Ngày 27-12 mỗi năm là ngày gặp mặt của các thành viên đồng hương Bến Thôn. Mọi người gốc Bến Thôn, dù không sinh tại Bến Thôn, cũng không sinh ra tại Sơn Lộc, nhưng có cha mẹ người Bến Thôn, dù ở xa, cũng cố gắng góp mặt trong những ngày này. Đó là dịp quý trong năm để tôi gặp lại những người thân quen, họ hàng của mình.

Tôi đoán những người xuất thân từ những làng khác ở ngoài Bắc di cư về giáo xứ này cũng quy tụ thành những hội đồng hương như thế để có dịp gặp lại nhau, nuôi dưỡng tình bà con, lối xóm ngày xưa. Đó quả là một nét rất đẹp về mặt tình cảm của nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt của những người phải di cư, xa rời quê hương của cha ông mình xưa.

Phải nói rằng tôi đã sống ở nhiều nơi khác nhau. Có những nơi tôi sống cả hàng chục năm. Nhưng không có nơi nào mà tôi cảm thấy gần gũi thân thương như giáo xứ Sơn Lộc, mặc dù tôi chỉ sống tại đây có 6 năm (1954-1960). Có lẽ vì 6 năm đó là 6 năm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Là 6 năm có tính quyết định trong việc hình thành về mặt vô thức hoặc tiềm thức con người tâm linh, đạo đức và tâm lý của tôi. Chắc hẳn nhiều người xuất thân từ Sơn Lộc cũng có cùng một cảm nghĩ ấy như tôi.

Vì thế, tôi luôn hy vọng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho mảnh đất nhỏ bé nhưng rất yêu dấu này. Tôi mong rằng một ngày nào đó, giáo xứ sẽ phát triển lớn hơn về mọi mặt: đạo lẫn đời, tâm linh lẫn thể chất, văn hóa lẫn kinh tế… Và tôi vẫn cầu nguyện cho điều ấy xảy ra, cầu cho tất cả những người đang sống cũng như xuất thân từ mảnh đất Sơn Lộc thân yêu này được luôn an vui và hạnh phúc.

Nguyễn Chính Kết


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________