Friday 4 September 2009

PierreDo Dinh


PIERRE ĐỖ ĐÌNH
(1909-1970)

«Lạy Chúa, con đã từ bỏ tất cả… để theo Chúa»

Nguyễn Chính Kết


PIERRE ĐỖ ĐÌNH tên thật là Đỗ Đình Thạch, sinh năm 1909 tại Sơn Tây (miền Bắc). Ông là một nhà trí thức uyên bác, là văn sĩ mà cũng là thi sĩ, đậu cử nhân sử học tại Pháp, chuyên nghiên cứu về văn hóa, triết học và tôn giáo. Ông viết sách, viết báo, dịch thuật và đôi khi dạy học. Ông mất năm 1970 tại Sàigòn.

Cuộc đời và sự nghiệp

Chúng ta hãy lược qua cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 21 tuổi (1930) bằng việc viết cho Nam Phong tạp chí (Hà Nội) và sau đó cho nhiều cơ quan ngôn luận khác trong nước và tại Pháp. Khi viết văn và làm thơ, ông sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp một cách rất thành thục. Các bài ông viết rất công phu nên chiếm được cảm tình của rất nhiều độc giả.

Ông bắt đầu nổi tiếng từ năm 1937 khi xuất bản tại Hà Nội cuốn Đoạn Trường do ông dịch từ tác phẩm La Porte Étroite (= Khung cửa hẹp) của André Gide. Ông có cho in một tập thơ nổi tiếng của ông là Le Grand Tranquille (= Đấng Thái Hòa) năm 1937 tại Nha Trang, gồm những bài thơ ông đã từng đăng trong các báo cho đến lúc đó. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu nằm trong vô số các bài viết đủ loại ông đăng rải rác suốt 40 năm trong rất nhiều cơ quan ngôn luận, báo chí trong nước cũng như ngoại quốc. Điều hết sức đáng tiếc là ông chưa có dịp thu tập lại để in thành những cuốn sách. Qua các tác phẩm rất phong phú và đa dạng, ông chứng tỏ là một nhà văn có thiên tài với nhiều kiến thức rất uyên bác. Khi ông còn sống cũng như sau khi ông mất, có nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã viết những bài báo về ông với rất nhiều thiện cảm (1).

Trước thế chiến thứ hai (1939-1945), ông sang Pháp du học. Tại Pháp, nhờ sử dụng tiếng Pháp điêu luyện, lối văn sáng sủa và tư tưởng sâu sắc, ông nổi tiếng trong văn giới. Ông đã từng làm việc cho báo Le Monde (Paris) đặc trách mục Lectures Asiatiques; báo La Vie Intellectuelle (Paris). Ông ở tại Pháp khoảng 20 năm, trong đó có nhiều lần về thăm Việt Nam.

Đến năm 1960, ông được Đại Học Huế mời về nước để làm giáo sư triết học tại đấy. Năm 1964, do tình hình biến động bất thường tại Huế, ông vào Sàigòn làm chủ bút cho báo Đối Thoại và tiếp tục sự nghiệp văn chương tại Sàigòn.

Cuộc đời theo Chúa Kitô

Âm thầm sống đời Kitô hữu

Năm Đỗ Đình 28 tuổi (1937), trên đường từ Pháp về thăm quê hương, ông đã lãnh nhận bí tích rửa tội ngay trên tàu thủy để trở thành con cái Thiên Chúa và gia nhập Giáo Hội Công giáo. Ông lấy tên thánh là Phêrô hay Pierre (tiếng Pháp), cũng có nghĩa là Thạch hay Đá. Từ đó, ông lấy bút hiệu là Pierre Đỗ Đình. Về cuộc hành trình này và việc lãnh bí tích rửa tội này, ông viết: «Trong khi đi đường, tôi đọc cuốn Dapné Adeane cùng cuốn Art et Scholastique và cuốn Distinguer pour unir của Maritain tiên sinh mà mười năm sau tôi có dịp gặp ở tòa báo Temps Présent. Nghe tiếng sóng đêm ngày, có lúc tôi tưởng mình là người thủy thủ. Nhưng tôi không phải là người đi câu cá. Tôi là con cá ở vực sâu, mà Chúa Giêsu là người đi câu cá» (trích trong bài Ta là con cá của ĐỖ ĐÌNH).

Phải, Chúa Giêsu chính là người câu cá đã câu được một con cá nhỏ bé là chính ông. Ngài đã câu ông ra khỏi vực sâu của vô minh, của tăm tối tâm linh. Khi nhận ra Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng của nhân loại, ông đã từ bỏ tất cả để theo Ngài. Ông đã mô tả sự từ bỏ ấy qua những vần thơ trong bài Le Grand Tranquille (= Đấng Thái Hòa):

«A! Lạy Chúa, con đã từ bỏ tất cả,
«Từ bỏ những sự vật không đáng kể
«Vì con không còn thấy lại nữa.
«Để theo Chúa, con đã giã từ Đức Phật già lão thờ trong chùa,
«Giã từ những tiên nữ vẫn còn tỏ dấu làm quen.
«Giã từ ngôi miếu nhỏ bên cây đa,
«Trên bờ sông mù mịt màu đêm.
«Và giờ đây, con sung sướng và bình an» (2).

Tuy nhiên, việc trở nên Kitô hữu và sống đạo Kitô giáo của ông được thực hiện rất âm thầm ít người biết. Vì thân mẫu và bà con thân thuộc của ông là những người rất mến mộ đạo Phật hoặc đạo thờ ông bà tổ tiên, nên việc ông theo đạo Kitô giáo có thể gây nên sự bất bình nơi mẹ ông và họ hàng. Thời ấy, việc bỏ đạo Phật hay đạo thờ tổ tiên để theo Kitô giáo nhiều khi bị coi là bội đạo hoặc bất hiếu, vì Kitô giáo thời ấy cấm các tín hữu không được thực hành những nghi thức thờ cúng ông bà tổ tiên. Do đó, vì sợ mất lòng cha mẹ và họ hàng thân thuộc, nhiều người con trong gia đình dù rất mến mộ Kitô giáo cũng không dám theo đạo này, hoặc ít ra không dám theo một cách công khai. Đỗ Đình nằm trong trường hợp này. Tác giả Cung Giũ Nguyên, trong bài Souvenirs sur Pierre Do Dinh (= Nhớ Đỗ Đình), cho biết:

«Không mấy ai trong họ hàng, nhất là cụ thân mẫu, biết Đỗ Đình đã trở lại đạo từ lâu. Cho đến những phút cuối cùng, vì hiếu với mẹ, vì kính nể tín ngưỡng của mẹ, của những người mình quí mến, Đỗ Đình đã không hề thổ lộ đức tin của mình, như gần 40 năm trước đã nói trong bài thơ bất hủ:

«Hỡi Tình Thương (3) của con ơi,
«Mắt con đã nhận được Tình Thương,
«Như xưa kia trái tim non dại con đã từng nhận thấy.
«Nhưng con sẽ không gọi đích danh Tình Thương,
«Với danh Tình Thương đã tỏ với người đời.
«Con làm như đứa không biết,
«Con dấu kín Tình Thương như con gái lỗi lầm,
«Vì những người còn ở bên kia…» (4).

Việc ông lãnh nhận bí tích rửa tội ngay trên chuyến tàu thủy từ Pháp về Việt Nam cũng là một cách dấu kín gia đình việc theo Kitô giáo của ông. Vì về đến Việt Nam mà rửa tội thì sẽ có rất nhiều người biết. Do đó, dù là Kitô hữu đích thực, ông chỉ sống đạo cách âm thầm, kín đáo, ít tuyên xưng hay biểu lộ niềm tin của mình ra ngoài. Đối với ông, đạo (= Kitô giáo) là một cái gì nằm trong nội tâm, chi phối và hướng dẫn đời sống, từ quan niệm, tư tưởng, đến cách ăn nói, hành động, lối cư xử tốt đẹp với mọi người. Đặc biệt đối với ông, đạo hướng dẫn và làm động lực cho nghề nghiệp và sự nghiệp văn chương của ông. Người sống tinh thần Kitô giáo có thể nhìn thấy tinh thần ấy được thể hiện một cách kín đáo qua cung cách sống và làm việc của ông. Cũng vì sự kín đáo ấy mà ông ít để lại những bút tích liên quan đến đời sống Kitô hữu của ông.

Những người ảnh hưởng đến quyết định theo Kitô giáo của ông

Là một người hoạt động văn nghệ có thực tài tại Pháp, ông có dịp giao tiếp và kết bạn với những nhà văn nổi tiếng như Paul Claudel, Daniel-Rops, Léon Ploy, Maritain, thi sĩ Senghor (sau làm tổng thống Sénégal)… là những Kitô hữu rất nhiệt thành. Chắc hẳn ông biết Đức Giêsu-Kitô và đã trở nên Kitô hữu qua những danh sĩ này và qua những tác phẩm của họ. Theo VÕ LONG TÊ, Paul Claudel (1868-1955) là một trong những người đã ảnh hưởng đến niềm tin sâu xa của Đỗ Đình vào Đức Kitô:

«Mặc dù trở lại Kitô giáo là một ơn huệ nhưng không, nhưng quả là lý thú khi biết rằng niềm tin sâu xa mà Đỗ Đình có được là nhờ Paul Claudel. Người ta thấy thơ của Paul Claudel và một vài chủ đề mà ông thích nhất nơi tác giả cuốn L’Art Poétique đã ảnh hưởng trên bài thơ Le Grand Tranquille của ông, với những sắc thái cá nhân của một người Việt Nam đã được tái sinh trong nước rửa tội trên một chiếc tàu thủy. Kể từ nay ông sẽ “ra khơiđể vui tươi “hòa giải mọi sự vì đạt đến những đỉnh cao mới mẻ về tâm linh”» (5).

Bài viết này của Võ Long Tê đã nêu rõ Pierre Đỗ Đình là người đầu tiên dịch thơ của Paul Claudel sang tiếng Việt và viết bài nghiên cứu về Paul Claudin bằng tiếng Việt.

Là một nghệ sĩ, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu triết học và tôn giáo, nhất là chịu ảnh hưởng của các nhà văn Kitô giáo tại Pháp, chắc chắn ông đã tự đặt ra cho mình những vấn đề cơ bản của hiện hữu như:

-Tôi là ai? Tôi từ đâu đến?
-Tại sao tôi hiện hữu? Ai dựng nên tôi? (nguyên nhân)
–Những người chung quanh tôi là ai?
-Hiện hữu để làm gì? (cứu cánh)
-Chết rồi đi đâu? Đằng sau cái chết có gì không?
-Ý nghĩa của cuộc đời là gì?
-Tại sao vũ trụ lại hiện hữu thay vì không hiện hữu? v.v…

Là người chịu ảnh hưởng của văn hóa tây phương và của một số tác giả Kitô giáo tại Pháp, chắc chắn ông đã tìm được những giải đáp thỏa mãn nhất cho những vấn đề căn bản trên trong giáo thuyết của Kitô giáo, và giáo thuyết này đã phần nào thuyết phục ông. Tuy nhiên, giáo thuyết chỉ là yếu tố thuyết phục ban đầu. Điều quan trọng là ông đã thử dấn thân sống theo giáo thuyết ấy. Là một người thuần thành, khi thật sự dấn thân sống theo giáo thuyết ấy bằng việc đọc Thánh Kinh và cầu nguyện, ông cảm nghiệm được Thiên Chúa và Tình Thương của Ngài ngày càng rõ nét. Càng đi sâu vào cầu nguyện, ông càng nhận thấy sự hướng dẫn, ảnh hưởng và sự can thiệp của Ngài trên tư tưởng, lối suy nghĩ, cách hành xử cũng như chính cuộc sống của ông. Chính nhờ những cảm nghiệm tâm linh đó, ông đã tin vững chắc vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người tại đất nước Do Thái trước ông gần 2000 năm.

Trong cuốn Hành trình Kitô giáo, ông nói lên niềm tin của mình vào Kitô giáo: «Đạo Công Giáo bao trùm toàn thể, toàn thể thế gian và xuất thế gian, toàn thể lịch sử và những gì chưa đến. Tất cả những sự thật còn lang thang sẽ trở về tìm nơi trú ẩn trong đạo Công Giáo» (6).

Sứ mạng tông đồ của Đỗ Đình qua hoạt động văn nghệ

Khi đã giác ngộ đức tin Kitô giáo, ông cảm thấy có sứ mạng phải rao truyền niềm tin ấy để đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ý tưởng này đã trở thành động lực cho sự nghiệp văn chương của ông. Trong bài Hành Trình của P. Đỗ Đình, Võ Long Tê viết: «Biến cố đã làm cho P. Đỗ Đình đi sâu vào văn hóa Việt Nam, là nhiệm vụ cứu rỗi thiêng liêng, là ơn trở lại đạo Công giáo» (7).

Tuy dù cố gắng dấu kín mẹ và họ hàng về việc theo đạo của mình, ông vẫn công khai nói lên lập trường và tư tưởng Kitô hữu của ông trong một số bài báo như:

Itinéraire Chrétien (= Con đường Kitô giáo), đăng trong tạp chí France-Asie (Sàigòn), số 64, tháng 12-1951, trang 357-366.

Le Grand Tranquille (= Đấng Thái Hòa), in trong Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel, Hà Nội 1937.

Một đạo lý cho đời này: ông Paul Claudel, đăng trong Đông Dương tạp chí, Hà Nội 1938.

Ta là con cá, đăng trong tạp chí Đức Mẹ La Vang, Huế-Sàigòn, số 1, tháng 8 năm 1961.

Christianisme et Cultures (= Kitô giáo và các nền văn hóa), đăng trong tạp chí Văn Hóa Duy Linh (Sàigòn), số 1, 1-1-1963.

Méditation à Solesmes (= Suy tư tại Solesmes), đăng trong Cahiers de la Jeunesse, Nha Trang, tháng 10-1938

Theo nhận xét của Đỗ Đình, Kitô giáo giúp thăng hoa và tăng giá trị cho những thực tại trần gian, làm cho cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc. Vì thế, người Kitô hữu yêu mến và gắn bó với cuộc đời nhiều hơn, góp phần xây dựng cuộc đời nên tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là ý hướng mà Đỗ Đình đã lồng vào trong mọi công việc xây dựng xã hội và đất nước qua sự nghiệp văn chương của ông. Ông quan niệm người Kitô hữu phải là một người thực tế, biết áp dụng tinh thần của đạo mình một cách cụ thể vào đời sống thường nhật. Về vấn đề này, ông viết:

«Người Kitô hữu không phải là kẻ qua đường lạc lõng trong một thế giới xa lạ, hay một người khốn khổ trôi dạt nơi Bể Ảo Huyền, mà là con người biết mình đi đến đâu, có một nhiệm vụ, quản lý đất đai tổ tiên, quản lý ngôi nhà mình quen thuộc mà tại đó mình có chỗ giữa những vật có chỗ của chúng. Và tất cả tạo sinh, từ cỏ nội đến khổng vật đời nguyên sơ rên siết trong khi sinh đẻ, mà theo lời thánh Paul, nhờ Người sẽ đạt đến vinh quang Nước Trời» (8).

Con người Đỗ Đình với lý tưởng nên hoàn thiện của Kitô giáo

Đỗ Đình vốn là người thành thực, với chính mình và với mọi người. Đó là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi con người ông. Khi trở thành Kitô hữu, ông đã sống rất thực cuộc đời của một Kitô hữu thuần thành, trung thành với đức tin và truyền thống Kitô giáo đến hơi thở cuối cùng. Đức tin Kitô giáo giúp ông nhận ra cái gì là cốt yếu nhất của cuộc đời, của sự hiện hữu tại thế.

Sự thuần thành vốn có và lý tưởng Kitô hữu đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành xử của ông. Lý tưởng của ông – cũng như của những Kitô hữu thuần thành – là «nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Lý tưởng Kitô giáo ấy khiến ông luôn vươn tới hoàn thiện, không chỉ trong lãnh vực tu thân hay đạo đức, mà trong tất cả mọi hoạt động của ông, nổi bật nhất là văn chương và thi ca. Maurice Durand đã nhận xét về ông như sau: «Trong số các thi nhân người Việt tại Pháp, dường như Phạm Văn Ký và Đỗ Đình là độc đáo và hướng đến hoàn thiện hơn cả» (9).

Một trong những yếu tố khiến ông trở nên độc đáo, đó là ông biết phân biệt cái cốt yếu với những điều tùy phụ để quan tâm một cách đặc biệt đến cái cốt yếu. Cung Giũ Nguyên trong bài Souvenir sur Pierre Do Dinh (= Nhớ Đỗ Đình) mô tả ông là «un lettré captivé par l’essentiel» (= một học giả bị thu hút bởi cái cốt yếu). Trong lãnh vực tâm linh, đây là một yếu tố quan trọng để tiến bước trên con đường hoàn thiện. Điều cốt yếu nhất trong cuộc đời Kitô hữu là nên hoàn thiện, là gắn bó với Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, chứ không phải bám víu vào những thực tại trần gian như danh vọng, quyền lực, của cải, lạc thú… Cũng trong bài trên, Cung Giũ Nguyên đã viết về đặc tính ấy của ông như sau: «Đỗ Đình là người chẳng thèm cố gắng tí nào để nhận thứ mà người đời gọi là danh vọng (…) Đỗ Đình có vẻ xa lánh khi có thể được những ràng buộc của thế tục. (…) say mê những giá trị vượt thời gian và không gian, và do đó không còn bận tâm về những tuế toái của tâm tình, trí tuệ hay nhân sinh».

Điều ấy cho thấy ông là một con người siêu thoát, vượt lên trên những gì tầm thường của thế sự để vươn lên đến những gì cao đẹp nhất, siêu việt nhất, là Đạo, là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn những ước vọng cao cả của con người.

Chính Đỗ Đình đã mô tả sự vươn lên phải trả giá bằng sự cô đơn ấy trong bài Le symbolisme annamite (= Biểu tượng trong văn chương Việt Nam): «Con người không muốn trèo lên, đó là điều phải nói, trèo lên những nẻo đường tăm tối dẫn đến núi cao, nơi biên đỉnh bóng tối và ánh sáng, và việc trèo lên đỉnh Carmel của nghệ thuật chỉ còn dành riêng cho vài người cô đơn» (10).

Đỗ Đình đã cố gắng vươn lên «đỉnh Carmel» không chỉ trong lãnh vực nghệ thuật, mà trong cả lãnh vực tâm linh nữa. Lý tưởng ấy chắc chắn ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, nói năng và hành động của ông, nó được toát ra qua phong cách thanh cao, cách cư xử cao thượng của ông. Chúng ta hãy nghe Trần Manh Liệu, một học trò của Pierre Đỗ Đình viết về phong cách cao quý của ông và nói lên cảm tình sâu xa nơi những người học trò của ông:

«Nghe thầy giảng, nhìn phong thái của thầy, có lần tôi tưởng như thầy đã đắc đạo. Mà ắt phải vậy! Với một nếp sống đơn sơ đạm bạc, một tâm hồn bình dị khoáng đạt, một kiến thức quảng bá uyên thâm, một phong thái khoan dung hòa nhã, một diện mạo vui vẻ hồn nhiên, chắc hẳn thầy đã tạo cho mình một nhân sinh quan vững mạnh, một triết lý sống trầm hùng, như lời Mạnh Tử đã nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Thầy luôn luôn bình thản trước mọi biến cố của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà ngay đến cái chết của thầy cũng xảy ra trong âm thầm và khiêm tốn.

«Tôi đang nghĩ về thầy, về cuộc đời của thầy. Mắt tôi đăm đăm nhìn vào bức ảnh mang sắc phục giáo sư đại học của thầy để trước quan tài mà lòng rưng rưng nuối tiếc, rồi bỗng nhiên tôi nghĩ đến cái phù du của kiếp người, cái vô nghĩa, bất thường của một cuộc đời thật lắm nỗi tang thương… Tiếng chuông giáo đường ngân lên một nhạc điệu bi ai siêu thoát như đưa tâm tư mọi người hướng về hư vô bất tận, để tiễn đưa linh hồn thầy về cõi Chúa…

«Thôi thế là hết! Những nắm đất đầu tiên ném xuống trên quan tài của thầy từ tay bao nhiêu thân bằng quyến thuộc xa gần. Chẳng mấy chốc, những bông hoa đủ màu cùng những nắm đất rải đều trên quan tài của thầy cùng vài tiếng khóc nghẹn ngào của thân nhân tiễn biệt thầy về cõi siêu nhiên… Cõi nhân thế từ đây vắng bóng thầy nhưng trong tâm hồn chúng tôi, những học trò cũ của thầy luôn luôn thương tiếc thầy, giữ mãi hình ảnh, cá tính của thầy, suốt một đời tận tụy cho văn chương, nghệ thuật, vì lý tưởng “giáo nhân” mà thầy chết đi chừng như vẫn chưa tròn nguyện ước…» (11).

Qua bài trích văn trên, ta biết được phong thái có vẻ «đắc đạo» của Pierre Đỗ Đình, và cách sống đầy tính siêu thoát của ông.

Đỗ Đình không chỉ biết về Kitô giáo, ông cũng nghiên cứu về các tôn giáo khác đặc biệt là Phật giáo, nhưng ông nhận ra được sự ưu việt của Kitô giáo. Ông cố gắng giới thiệu sự ưu việt ấy cho mọi người một cách tế nhị và khéo léo. Ý hướng ấy thúc đẩy ông tham gia vào cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Công giáo trên tạp chí France-Asie năm 1951. Trong cuộc đối thoại ấy, người ta thấy ông là một người tuy «đắm mình trong huyền nhiệm Kitô giáo, nhưng vẫn cảm thông với các đạo giáo và những nguồn tư tưởng đã nhào nặn người đời và đời người» (12).

***

Trong số những người trở lại Kitô giáo ở tuổi trưởng thành, Pierre Đỗ Đình là một danh nhân, một người trí thức thật sự đã đóng góp nhiều vào nền văn học Việt Nam. Theo Võ Long Tê, chính việc trở lại Kitô giáo và ý chí làm tông đồ của ông là một động lực mạnh mẽ khiến ông tạo nên sự nghiệp văn chương phong phú ấy. Cũng theo Võ Long Tê, «Pierre Đỗ Đình đã sống thực cuộc đời của một Kitô hữu, trong đời sống của một người Việt Nam trung thành với truyền thống như là một thành phần phải có, với địa vị riêng biệt trong toàn bộ truyền thống, hiện tại và tương lai của huyền nhiệm Kitô giáo» (13). Là người Kitô hữu, chúng ta có thể hãnh diện vì đạo của chúng ta đã có những con người trí thức như Đỗ Đình đã giác ngộ để chọn lựa đạo ấy làm lẽ sống chân thực và mạnh mẽ cho cuộc đời mình.

Rất tiếc một người đạo hạnh và tài hoa như ông lại mất đi quá sớm vì bệnh ung thư máu, lúc mới 61 tuổi. Ông mất ngày 15-7-1970 tại tại bệnh viện Grall (Đồn Đất), Sàigòn. Linh mục Cao Văn Luận, cựu viện trưởng đại học Huế, đã cử hành thánh lễ cầu hồn cho ông ngay trong bệnh viện. Ngày 18-7-1970, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nghĩa trang này đã bị phá hủy và hiện nay là công viên Lê Văn Tám). Hy vọng ông đã chọn Chúa và trung thành theo Chúa suốt cuộc đời, thì Chúa cũng đã chọn ông vào hưởng hạnh phúc dành cho những người tôi trung của Ngài.

Sàigòn, tháng 7-2004

NGUYỄN CHÍNH KẾT

______________

Chú Thích

[1] Khi ông còn tại thế, nhiều tác giảđã viết vềông như: Georges Proux, Cung Giũ Nguyên, Maurice Durand. Sau khi ông mất, còn nhiều người viết vềông hơn nữa, nhưVõ Long Tê (7 bài), Cung GiũNguyên (2 bài), Châu Kim Đính (2 bài), Trần Manh Liệu, MỹLinh, Trần Văn Ân…

[2] Bản dịch của VÕ LONG TÊ, trích trong bài Hành Trình của P Đỗ Đình, đăng trong Nguyệt San Đức MẹHằng Cứu Giúp, bộmới, số23, Sàigòn, tháng 4-1971.

[3] Chữ«Tình Thương» mà ông dùng ở đây là để ám chỉ Thiên Chúa, mà ông không tiện nói rõ ra. Ông dùng chữnày vì theo quan niệm Kitô giáo, Thiên Chúa chính là Tình Thương (x. 1Ga 4,8.16).

[4] CUNG GIŨ NGUYÊN, Souvernirs sur Pierre Do Dinh (= NhớĐỗĐình), đăng trong tạp chí Études interdisciplinares sur le Vietnam, Saigon 1974,số1, trang 223-239. Những vần thơtrên là do Cung GiũNguyên dịch từbài Le Grand Tranquille của ĐỗĐình, mặc dù đã có bản dịch khác của Võ Long Tê.

[5] Tạm dịch từnguyên bản tiếng Pháp của Võ Long Tê: «Bien que la grâce de la conversion soit gratuite, il serait intéressant de déceler ce que devait Do Dinh à Paul Claudel, son auteur préféré, dans l’approfondissement de la foi. Pour ce qui du poème Le Grand Tranquille, l’ampleur du verset de Paul Claudel et certains thèmes de prédilection de l’auteur de L’Art Poétique se retrouvent avec les accents personnels d’un vietnamien régénéré dans les eaux baptismales à bord d’un paquebot, embarqué désormais en haute mer pour la réconciliation de toutes choses dans la joie pour les nouvelles collines spirituelles”» (VÕ LONG TÊ, Paul Claudel, le Vietnam et la spiritualité thérésienne, Bruxelles, Société Paul Claudel en Belgique xuất bản, 1985, trang 81).

[6] ĐỖ ĐÌNH, Itinéraire Chrétien (= Hành Trình Kitô giáo), đăng trong tạp chí France-Asie (Sàigòn), số64, tháng 12-1951.

[7] VÕ LONG TÊ, Hành Trình của P ĐỗĐình, đăng trong Nguyệt San Đức MẹHằng Cứu Giúp, bộmới, số23, Sàigòn, tháng 4-1971.

[8] ĐỖ ĐÌNH, Méditation à Solesme (= Suy tưtại Solesme), đăng trong Cahiers de la Jeunesse, Nha Trang, tháng 10-1938

[9] Tạm dịch từnguyên bản tiếng Pháp của M. Durand: «Parmi les poètes vietnamiens en France, Pham Van Ky et Do Dinh semblent les plus originaux et les plus attachés à la perfection» (MAURICE DURAND, Histoire des littératures, tome I, chương Litérature vietnamienne, Paris Gallimard, Bibliothèque de la Pléiade, 1955, trang 1341).

[10] PIERRE ĐỖ ĐÌNH, Le symbolisme annamite (= Biểu tượng trong văn chương Việt Nam), đăng trong tạp chí Les Cahiers de la Jeunesse, Nha Trang, số tháng 11, 1937.

[11] TRẦN MANH LIỆU, bài Thương tiếc một vị thầy đã mất, đăng trong tạp chí Đối thoại, Sàigòn, số 8, năm 1971, trang 85-87.

[12] VÕ LONG TÊ, Hành Trình của P. Đỗ Đình, đăng trong Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bộ mới, số23, Sàigòn, tháng 4-1971.

[13] VÕ LONG TÊ, Hành Trình của P. Đỗ Đình.



TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________