Tuesday 24 March 2009

Vài lời về anh Trần Duy Nhiên
Nguyễn Chính Kết

Anh Nhiên và tôi quen biết nhau khoảng 20 năm nay, nhưng thân nhau và cùng làm việc với nhau thì chỉ khoảng 10 năm trở lại. Chúng tôi quen nhau vì nhiều thứ giống nhau: cùng dạy sinh ngữ tại tư gia và một vài trung tâm sinh ngữ, cùng dịch thuật, viết về tâm linh tôn giáo trên báo và trên mạng, cùng cố gắng dấn thân với tư cách giáo dân trong Giáo Hội, cùng cộng tác trong một số công việc tông đồ tại giáo phận Sàigòn, cùng dạy học cho một vài tu viện tại Sàigòn (anh Nhiên dạy sinh ngữ và một vài môn về nhân bản, còn tôi dạy triết học)… Nhờ những lần gặp nhau trao đổi và đọc những bài viết của nhau, chúng tôi còn nhận ra rằng chúng tôi còn nhiều điểm giống nhau sâu xa hơn: chẳng hạn cùng thích nghiên cứu về thần học Á Châu, đặc biệt về vấn đề hội nhập văn hóa trong truyền giáo, về những tư tưởng mới trong Giáo Hội, về chủ trương phải nâng cao mức độ sống đạo giáo dân, thúc đẩy giáo dân dấn thân cho Giáo Hội, và tạo điều kiện để giáo dân có tiếng nói trong Giáo Hội, v.v… Tính tình của chúng tôi cũng khá giống nhau ở chỗ ôn hòa, nhỏ nhẹ, ít căng thẳng…

Đặc biệt từ năm 2001, anh Nhiên và tôi được anh Hoàng Quý, người chủ chốt trong nhóm sáng lập Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân tại Nam California, mời cộng tác ngay từ số đầu tiên. Sau đó một thời gian, anh Hoàng Quý mời hai chúng tôi tích cực cộng tác với trang web Tiếng Nói Giáo Dân (1), và sau cùng nhau thành lập tuần báo điện tử Maranatha (2) gửi qua email, chuyên viết về tâm linh tôn giáo, với mục đích thúc đẩy việc sống đạo Kitô giáo cách tích cực và ý thức, thích hợp với tâm thức mới của người thời đại… Anh Hoàng Quý, anh Nhiên, tôi và một số người khác nữa lúc đó cộng tác với nhau rất chặt chẽ trong công tác này.

Ngoài ra, sự nhiệt thành với việc phát triển Nước Thiên Chúa khiến anh nghĩ ra nhiều phương cách hoạt động tông đồ khác rất hấp dẫn quần chúng… Chẳng hạn anh cùng linh mục Nguyễn Tiến Lộc lập ra nhóm Rabboni, một nhóm quy tụ các bạn trẻ để cùng nâng đỡ nhau về tâm linh. Một trong những sinh hoạt đặc biệt của nhóm này là trình diễn những vở kịch rất đặc sắc và đầy ý nghĩa về Thánh Kinh, về cách sống đạo trưởng thành, v.v… tại một số xứ đạo tại Sàigòn và đôi khi tại các tỉnh (khi được mời hoặc yêu cầu). Những vở kịch này do chính anh Trần Duy Nhiên soạn (3). Anh có làm một số CD rất giá trị, chẳng hạn một CD khá đặc sắc trình bày bộ mặt 12 môn đệ của Chúa Giêsu bằng những bản văn do anh phóng tác theo Kinh Thánh, rất sống động, sâu sắc, được linh mục Tiến Lộc, một linh mục có giọng rất ấm và truyền cảm, đọc và diễn tả. Cả bản văn và cách diễn tả đều có sức lôi cuốn khiến người ta có thể nghe các dĩa CD của anh hàng giờ không chán (4)… Đây là một hình thức truyền giáo rất đặc sắc và hấp dẫn của anh.


Năm 2001, tôi bắt đầu đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Khi thấy tôi đấu tranh, anh Nhiên rất lo ngại cho tình trạng an ninh và an toàn của tôi và gia đình tôi. Tuy anh không lên tiếng tranh đấu như tôi, nhưng tôi biết anh cũng cảm thấy việc tranh đấu cho tự do tôn giáo của tôi là chính đáng, nên anh thường âm thầm khuyến khích, ủng hộ và hỗ trợ tinh thần tôi mỗi khi gặp tôi . Thấy tôi bị bao vây kinh tế, nhiều lần anh cũng giúp đỡ cách cụ thể. Trong một lần tâm sự, anh cho biết anh cũng rất thao thức về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo đang bị chà đạp tại Việt Nam. Anh cũng muốn lên tiếng cho tự do tôn giáo và nhân quyền, nhưng hoàn cảnh của anh chưa cho phép. Tôi còn nhớ những lời anh khuyến khích tôi như: “Nếu Kết vô tù, thì tôi sẽ là một trong những người đầu tiên lo lắng cho gia đình Kết và gửi đồ thăm nuôi Kết để Kết an tâm tranh đấu, dẫu có vào tù vẫn an tâm”, “Tôi rất ủng hộ việc đấu tranh của Kết, nhưng chỉ xin lưu ý Kết một điều là phải cẩn thận, đừng rơi vào quá khích, luôn giữ thế độc lập, đừng để một thế lực nào điều khiển hay lợi dụng”, v.v… Tôi luôn luôn nhớ và cố gắng thực hiện những điều anh lưu ý… Tôi chỉ dám nói lên những câu này sau khi anh đã mất, vì bây giờ dù nói ra, công an Cộng Sản Việt Namcũng chẳng làm gì anh được. Qua tâm sự của anh Nhiên, tôi biết chắc chắn còn nhiều người khác cũng có thái độ như anh: Tuy bề ngoài không tỏ ra tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo, nhưng bên trong vẫn thao thức với vấn đề này, và vẫn âm thầm yểm trợ những người đấu tranh, ít nhất bằng tinh thần.

Tuy nhiên, về vấn đề đấu tranh, giữa anh và tôi vẫn có những điểm khác biệt. Nói chung, về mặt này, tư tưởng của anh ôn hòa hơn tôi. Thời gian đầu tranh đấu, tôi viết những thư góp ý cho Hội Đồng Giám Mục Việt Namkhẩn cầu các ngài lên tiếng cho tự do tôn giáo và nhân quyền đang bị chà đạp tại Việt Nam. Trong những thư góp ý này (5), và trong những lần trao đổi với bạn bè, đôi khi tôi cũng tỏ ra hơi gay gắt và bất nhẫn trước sự im lặng quá lâu của các ngài, thì anh Nhiên luôn luôn thuyết phục tôi thông cảm với những khó khăn của các ngài. Qua sự kiện này, tôi cảm thấy anh rất yêu mến Giáo Hội và rất quý trọng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Khi còn ở trong nước, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau, bất chấp tôi bị công an theo dõi và bám sát. Anh tỏ ra không hề tỏ ra ngại ngùng về chuyện ấy… Mỗi lần gặp nhau, thế nào anh cũng phải nói với tôi một vài câu hài hước nào đó rất hóm hỉnh. Chúng tôi tỏ ra rất hiểu nhau và tôi luôn nghĩ tốt cho anh dẫu đôi khi có người hiểu lầm anh. Tôi bắt đầu xa anh và không còn gặp anh nữa kể từ cuối năm 2006 khi tôi ra hải ngoại để vận động cho dân chủ và nhân quyền tại hải ngoại. Từ đó, do đi liên tục hết nơi này đến nơi khác, gặp hết người này đến người khác, nên tôi cũng ít liên lạc với anh.

Nay nghe tin anh đã ra đi về bên kia thế giới, tôi thật bất ngờ: không ngờ anh lại đi quá sớm như thế. Tôi cảm thấy buồn vì mất đi một người bạn rất hiểu tôi, nhưng tôi nghĩ nên vui cho anh vì anh đã về với Thiên Chúa. Một người tốt lành và được nhiều người quí mến như anh chắc chắn sẽ được Thiên Chúa đón nhận vào vòng tay đầy yêu thương của Ngài.

Houston, ngày 10/2/2009

Nguyễn Chính Kết

_________________________

Chú Thích:

(1) Trang web Tiếng Nói Giáo Dân: http://www.tiengnoigiaodan.net

(2)Trang web Maranatha: http://www.maranatha-vietnam.net/


(3) Chẳng hạn, những vở kịch do Trần Duy Nhiên sáng tác như:
– “Ngài đã bị khước từ
(x. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=407&cid=15&id=4255)

– “Ánh sáng đêm Giáng Sinh
(x. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=80&cid=15&id=676)

– “Đâu có tình yêu thương
(x. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=144&cid=15&id=141)

– “Sống dồi dào
(x. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=298&cid=15&id=3114)

– “Đón nhận tình yêu
(x1. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=20&cid=15&id=140)

(x2. http://www.trungtammucvudcct.com/web/news.php?mode=chitiet&no=20&cid=15&id=141)

– "Người con hoang đàng”


(4) CD “13 người thay đổi thế giới” của anh:
http://www.khuccamta.net/forums/music.php?do=viewcat&id=14
hay http://67.52.177.157/default.aspx?LangID=38&tabId=469&ArticleID=13083


(5) Các tâm thư gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam(của Nguyễn Chính Kết):

http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2008/01/th-gp-cho-hgmvn-nhn-dp-hp-vo-thng-9.html

http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2008/01/th-gi-hi-ng-gmvn-v-v-x-n-cha-l-httpwww.html

http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2008/01/tm-th-gi-hi-ng-gim-mc-vit-nam-ngy.html

http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2008/01/thi-im-lng-ca-cc-gim-mc-vit-nam-httpwww.html
http://nguyenchinhket1.blogspot.com/2008/01/tm-th-gi-hi-ng-gim-mc-vit-nam-6-10-2003.html


TRỞ VỀ MỤC LỤC

______________________________________