Thursday, 3 April 2008

VẪN TƯƠI CƯỜI KHI ĐAU ĐỚN
(Viết về anh Hoàng Quý
trong những ngày cuối đời anh)

Nguyễn Chính Kết

Trong những ngày du hành vận động cho tự do dân chủ tại hải ngoại, mấy lần sau này về Nam Cali, tôi đều đến trọ ở nhà anh Hoàng Quý, một người đàn anh của tôi cùng học tại mái trường Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, cũng là người rất đồng cảm với tôi trong cuộc hành trình tâm linh. Ở nhà anh nhiều ngày, cùng ăn với anh nhiều bữa, cùng đi nhà thờ dâng lễ với anh, được anh chở đi thăm nhiều nơi ở Orange County, tôi có nhiều dịp trao đổi với anh về đủ chuyện, nhất là về đời sống tâm linh và sự dấn thân của giáo dân trong Giáo Hội. Nói chuyện nhiều với anh, tôi nhận ra anh là một người có một đức tin Công Giáo rất vững mạnh, có nhiều kinh nghiệm tâm linh về quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa trong đời sống.


Anh bị ung thư máu và tưởng đã chết, nhưng nhờ kỹ thuật tân tiến của y học thời đại, anh đã sống thêm được mấy năm cho đến sáng ngày 28/1/2008 mới vĩnh viễn ra đi. Nhưng anh cho việc anh được sống thêm một số ngày tháng nữa không chỉ là hồng ân của Thiên Chúa, mà còn là một sự can thiệp đặc biệt của Ngài dành cho anh, để anh làm thêm một số việc nữa cho Ngài. Tuy nhiên, trong thời gian được sống thêm ít ngày này, anh đã phải chịu rất nhiều đau đớn nơi thân xác mà anh rất ít khi tỏ lộ ra cho vợ con hay bạn bè qua những lời than phiền, nhăn mặt hay xuýt xoa. Chỉ khi có ai thắc mắc hỏi xem anh có bị đau hay không, anh mới cho biết anh đang chịu đau mà thôi… Anh có một nhân đức mà rất ít người làm được, đó là mặc dù đau đớn khá nhiều nơi thân xác, anh không hề tỏ ra khó tính, gắt gỏng với vợ con hay người thân của anh.

Chị Trần Thanh Hiền, vợ anh, kể cho tôi nghe rằng có lần khi chị gặp bác sĩ, bác sĩ cho biết là những ngày trước đó anh đã phải chịu rất nhiều đau đớn. Điều này khiến chị lấy làm lạ vì chị ở kế cận bên anh suốt những ngày trước đó mà có hề thấy anh than phiền hay lộ vẻ gì là đau đớn đâu. Vì thế, chị đã trách lại anh rằng tại sao anh đau đớn mà không hề kêu đau hay tỏ ra bên ngoài cho vợ con anh biết. Chị Thanh Hiền đã từng than phiền với tôi về chuyện này: "Anh ấy lì lắm! bị đau mà không hề nói ra hay lộ ra vẻ đau đớn gì cả, nên khi anh đau đớn, tôi đâu biết là anh ấy bị đau đớn. Cứ phải hỏi xem anh có đau hay không thì anh mới chịu nói là đau". Chị từng trách anh trước mặt tôi: "Anh đau thì anh phải kêu đau, vợ con anh mới biết mà giúp đỡ anh chứ!" Vì thế, chị cứ phải luôn miệng hỏi xem anh có đau hay không.

Cũng phải công nhận chị Hiền rất tận tụy trong việc săn sóc anh. Tuy là người hoạt động rất năng nổ ngoài xã hội, hăng say có mặt trong các buổi biểu tình chống bất công, đòi tự do đòi nhân quyền, trong những buổi họp của những tổ chức tranh đấu cho dân chủ đa nguyên, nhưng chị không hề sao lãng bổn phận của một người vợ có chồng đang bị đau bệnh trong nhà. Cả hai vợ chồng – Hoàng Quý, Thanh Hiền – đều là những nhà hoạt động nhiệt thành, nhưng thuộc hai lãnh vực khác nhau: chồng hoạt động trong Giáo Hội, vợ hoạt động ngoài xã hội.

Qua những cuộc trao đổi và chia sẻ, tôi biết anh luôn đặt thánh ý Chúa lên hàng đầu: trước đây như thế nào thì tôi không dám chắc, nhưng ít nhất trong những ngày cuối đời anh, tôi thấy anh là như thế. Vì thế, dù phải đau đớn, phải chống gậy hay ngồi lên chiếc xe lăn, dù phải đau đớn và cố gắng mỗi lần ra khỏi giường, vừa run run vừa hết sức chậm rãi tự đứng lên, tự mình ngồi lên chiếc xe lăn, anh vẫn luôn lộ vẻ vui tươi lạc quan như không hề phải chịu một đau đớn nào. Khi tôi hỏi "Anh đứng dậy như vậy có cảm thấy đau đớn gì không?" thì anh gật đầu. Sự vui tươi trên nét mặt của anh tại giường bệnh không phải chỉ tôi mới trông thấy, mà như vợ chồng KL, anh Trần Phong Vũ, anh Trần Văn Cảo, chị Đinh Thị Hằng, anh Phạm Đình Đài… là những người đến thăm anh khi tôi có mặt tại đó – đều có thể làm chứng.

Trong mấy ngày sau cùng tôi lưu lại nhà anh, anh bỗng bị nứt xương ở vùng háng do xương của anh đã bị mục vì bệnh ung thư máu mấy năm nay, khiến anh đau đớn rất nhiều. Xương bị mục khiến bác sĩ không thể bắt vít để anh có thể tạm sinh hoạt như trước – là tự đứng lên khỏi giường để lên xe lăn – được nữa. Từ đó, anh phải hoàn toàn nhờ vợ con anh đưa lên xe lăn. Đến nước này mà khi tiếp xúc với anh, tôi cũng không hề thấy anh nhăn mặt lộ vẻ đau đớn cho tôi biết. Chỉ khi hỏi anh có bị đau hay không anh mới gật đầu. Đối với tôi, đó là một nhân đức mà tôi rất cảm phục. Tôi tự hỏi: mình mà bị đau như thế thì liệu có còn tỏ ra vui tươi và điềm tĩnh được như vậy không.


Đối với tôi, anh đúng là một kẻ theo Chúa đích thực. Theo quan niệm của tôi, muốn là người theo Chúa đích thực thì phải thực hiện được hai điều này: từ bỏ mình và sẵn sàng vác thập giá hằng ngày. Từng trao đổi tư tưởng, chia sẻ tâm tình và sống bên cạnh anh nhiều ngày, tôi thấy anh đúng là một người theo Chúa. Về việc "từ bỏ mình", quả thật những ngày sống bên anh, tôi không hề thấy anh khoe khoang hay tự hào về những gì anh đạt được, không hề tỏ ra nóng mặt hay buồn giận khi bị ai xúc phạm hay nói chạm tự ái. Về việc "sẵn sàng vác thập giá" , tôi không bao giờ thấy anh than thở về nỗi đau anh đang phải chịu nơi thân xác, hoặc tỏ ra buồn phiền hay bực bội về những nỗi oan ức hay hiểu lầm anh phải chịu khi lên tiếng nói theo lương tâm về những sai trái cần phải sửa trong Giáo Hội. Tôi thấy nỗi lòng của anh là vẫn luôn gắn bó, tha thiết với Giáo Hội, luôn mong Giáo Hội là một Giáo Hội thật sự "theo Chúa", một Giáo Hội luôn luôn "từ bỏ mình" và "sẵn sàng vác thánh giá" như Chúa vẫn đòi hỏi những người theo Ngài.

Rất mong những bài viết đầy tâm huyết mà anh viết vào cuối đời, nhất là trong thời gian anh được Chúa cho sống thêm sau khi bị ung thư máu, sẽ thật sự được lưu ý và ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống Kitô hữu Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Đó là những cố gắng cuối cùng của anh những mong góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa nên lành thánh, thành một Giáo Hội thật sự là ngôn sứ giữa cuộc đời điên đảo ngày nay.

Nguyễn Chính Kết





_______________________________________________________________________